Từ năm 1961, khi mới bắt đầu vào tuổi mười tám, đôi mươi, nhà giáo Vũ Hữu Bình đã đứng trên bục giảng trường cấp hai. Cho đến hôm nay, đã hơn 40 năm trôi qua, ông vẫn miệt mài đứng trên bục giảng ấy. Bao lớp học trò kế tiếp nhau, đã ngồi nghe ông giảng, nhận từ ông không chỉ kiến thức Toán học, mà cả những bài học về đạo đức, về lối sống, cách hành xử khiêm nhường, rồi lớn lên, thành công trong học vấn, đi ra đóng góp với xã hội, Người thầy mái tóc mướt xanh ngày nào, giờ đã pha sương mà vẫn bền bỉ một tâm huyết có từ thời trai trẻ.
NHÀ GIÁO VŨ HỮU BÌNH – BỀN BỈ MỘT TÂM HUYẾT LÀM THẦY
Từ năm 1961, khi mới bắt đầu vào tuổi mười tám, đôi mươi, nhà giáo Vũ Hữu Bình đã đứng trên bục giảng trường cấp hai. Cho đến hôm nay, đã hơn 40 năm trôi qua, ông vẫn miệt mài đứng trên bục giảng ấy. Bao lớp học trò kế tiếp nhau, đã ngồi nghe ông giảng, nhận từ ông không chỉ kiến thức Toán học, mà cả những bài học về đạo đức, về lối sống, cách hành xử khiêm nhường, rồi lớn lên, thành công trong học vấn, đi ra đóng góp với xã hội, Người thầy mái tóc mướt xanh ngày nào, giờ đã pha sương mà vẫn bền bỉ một tâm huyết có từ thời trai trẻ.
Những học trò đã học thầy Bình, mấy chục năm đã trôi qua rồi, khi nhắc đến ông, chỉ nói với nhau một từ “Thầy”: “Thầy đã nói…”, “Thầy dạo này…” thế là cùng hiểu mình đang nhắc về thầy Vũ Hữu Bình hết mực yêu kính ngày nào. Vũ Hữu Bình chỉ dạy Toán ở cấp hai, ở trường trung học cơ sở thôi, hơn chục năm đầu là mấy trường trường bên huyện Gia Lâm, từ năm 1973 đến năm 2005 thì dạy ở trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), mà sao tên ông lại được nhiều người trong nước, rồi cả ngoài nước biết đến nhiều thế? Là bởi vì ông dạy giỏi, sáng tạo, là bởi vì ông nhiều tâm huyết, hết lòng yêu thương học trò, vì thế mà ông truyền được cho học trò say mê học tập, kiến thức và nhân cách. Học trò thầy Vũ Hữu Bình học giỏi, rất nhiều em học lên nữa, đi thi thành thủ khoa các trường đại học, đoạt nhiều giải thưởng cao quý ở các cuộc thi tài quốc tế cũng như trong nước, rồi sau đó tiếp tục thành công trên những bước đường học tập và công tác. Aui cũng tự hào, sung sướng nhận mình là học trò cũ của thầy Bình, rồi kể về người thầy học cũ với những dòng hồi ức trong lành, rưng rưng và lan toả…
Mà không chỉ những học trò trực tiếp được học ông. Có thể gọi Vũ Hữu Bình là một trong những nhà giáo có nhiều học trò nhất hiện nay. Vì ngoài tâm sức dành cho những học trò ở lớp mình dạy, ông còn dành phần thời gian và tâm sức rất lớn soạn những cuốn sách giáo khoa, sách tham khảo, chủ yếu do Nhà xuất bản giáo dục phát hành, dành cho những lứa học sinh như học trò trực tiếp của ông, dành cho những đồng nghiệp của ông để họ có thêm kinh nghiệm dạy học trò của mình. Có biết bao nhiêu học sinh chưa hề gặp thầy Vũ Hữu Bình, chỉ đọc sách của thầy, viết thư cho thầy xin được nhận là học trò, mãi mãi biết ơn thầy vì những bài học nhận được từ những trang sách của thầy. Và thầy Vũ Hữu Bình cũng không quản ngại, nếu điều kiện cho phép, sẵn sàng trả lời tỉ mỉ, chu đáo qua thư cho những học sinh không quen biết viết gửi tới ông hỏi về một bài toán bất kỳ nào đó. Nếu đó là một thắc mắc có thể nhiều học sinh băn khoăn thì thầy Bình sẽ thực hiện “bài giảng” thông qua một tờ báo, như tờ “Toán học và tuổi trẻ” chẳng hạn. Nhà giáo Vũ Hữu Bình đã được một tờ báo chuyên ngành giáo dục phong kỷ lục “Thầy giáo của nhiều thủ khoa nhất”. Đến nay, Vũ Hữu Bình đã cho xuất bản tới 88 cuốn sách giáo khoa và sách tham khảo với tư cách là tác giả, đồng tác giả hoặc chủ biên. Trong số đó, có những đầu sách như bộ “Một số vấn đề phát triển Toán THCS” đã được in tới 70 vạn bản. Ông đã được Bộ giáo dục tặng Bằng khen về những đóng góp lớn trong việc viết sách giáo khoa.
Là một nhà giáo giỏi chuyên môn, có uy tín rất cao đối với đồng nghiệp, phụ huynh cũng như học sinh, ông lại có lối sống cũng như tác phong chan hoà, gần gũi với mọi người. Say mê với chuyên môn nhưng ông vẫn dành thời gian tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố khoá 7, Hội đồng nhân dân quận Hoàn Kiếm khoá 11 và 12. va fhiện nay ông vẫn đang là một hạt nhân đoàn kết và thi đua, phát huy vai trò lãnh đạo trong cương vị là Bí thư chi bộ trường THCS Trưng Vương trong nhiều khoá liền.
Nhà giáo Vũ Hữu Bình đã được Hội Toán học Việt Nam trao tặng Giải thưởng Lê Văn Thiêm. Ông cũng đã được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú ngay đợt đầu tiên (1988). Năm 2002 này, ông đang được đề nghị Nhà nước xét phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo nhân dân.
Những danh hiệu khác nữa rồi sẽ đến với ông. Nhưng có lẽ phần thưởng cao nhất chính là sự thành đạt của lớp học trò, tình cảm biết ơn chân thành của họ đối với ông, là những phút giây ông thư thái trong ngôi nhà ấm cúng, thuận hoà, con cái thành đạt của mình, sau những nỗ lực cống hiến vì sự nghiệp trồng người. Phần thưởng ấy thì ông đã được nhận xứng đáng từ lâu rồi. và ông sẽ được tiếp tục nhận những niềm vui như thế nữa, bởi ông vẫn đang tiếp tục cống hiến.
Nguyễn Thành Phong
---------------------------------------------------------------
Thầy Vũ Hữu Bình - Giáo viên Chuyên toán trường THCS Trưng Vương
Một bài viết khác về thầy:
Từ ngõ Tức Mạc, thầy chuyển về phố Yên Thái, cạnh ngõ Tạm Thương, nghĩa là “ẩn dật” hơn so với phố Hàng Bông mà thầy cùng gia đình ở từ nhỏ. Nhưng cái danh “thầy Bình Trưng Vương” thì chưa bao giờ ẩn. Một năm trở lại đây, thầy không phải hàng ngày đi đến trường nữa, song nghề thầy thì vẫn chưa dứt, đặc biệt là việc viết sách dạy và học Toán. Thầy vui mừng cho biết cuốn sách thứ 100 do thày biên soạn sắp ra đời. Danh hiệu cao quý nhất ,mà bất cứ người làm thầy nào cũng mơ ước và phấn đấu, thầy đã vinh dự nhận năm 2002. Thầy là Nhà giáo Nhân dân Vũ Hữu Bình. Xin được kể ba câu chuyện về một người thầy phố cổ Hà Nội.
Câu chuyện thứ nhất: 14 năm và một tấm bằng đại học.
Năm 1961, 18 tuổi, thầy tốt nghiệp phổ thông vào loại xuất sắc ở một trường nổi tiếng Hà Nội – trường Bưởi – Chu Văn An. Mơ ước cháy bỏng của thầy là được vào đại học sư phạm để sau này ra làm thày giáo. Nhưng vì không đạt tiêu chuẩn về lí lịch, thầy không thể thực hiện giấc mơ. Tuy nhiên, nghề giáo vẫn luôn là tiếng gọi thiêng liêng với chàng thanh niên 18 tuổi đầy nhiệt huyết. May mà lúc đó Hà Nội đang thiếu nhiều giáo viên, thầy đi học lớp sư phạm cấp tốc trong ba tháng và được phân công dạy cấp II tại Gia Lâm. Thế là được làm thầy. Vừa dạy, lại tiếp tục học bằng nhiều con đường khác nhau, đến năm 1975, nghĩa là sau 14 năm sau khi đứng lớp, thầy cũng đã có được tấm bằng tại chức Đại học sư phạm.
Tâm sự về việc học của một người thầy, thầy Bình nói: “Quan trọng nhất là phải thật sự yêu nghề, yêu trẻ để hiểu các em muốn gì ở mình, luôn biết cách tổ chức lớp học đẻ các em có thể tiếp thu tốt nhất, luôn gần gũi để giúp các em hoàn thiện nhân cách. Nghiệp vụ sư phạm và kinh nghiệm nghề là rất cần thiết. Vì vậy, muốn làm thầy tốt thì phải không ngừng học và tự học. Suốt 14 năm phấn đấu đến trình độ đại học sư phạm là tôi có ý thức như vậy”.
Điều đáng nói nữa là 14 năm ấy cũng là 14 năm đầy khó khăn, không riêng của gia đình thầy. Hai cuộc chiến trnah phá hoại làm thầy và gia đình không thể yên ổn, cả nơi ở và nơi công tác, học hành. Như mọi người trong thời chiến, hai vợ chồng nhà giáo cũng phải làm thêm đủ nghề mới đủ sống. Cô giáo Lương Hiền thì đan len. Thầy giáo Bình thì vẽ truyền thần, làm chuồng 3 tầng để nuôi chim bồ câu, gà vịt… Rồi cũng qua. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, ngọn lửa nơi trái tim người thầy vẫn cháy khôn nguôi.
Câu chuyện thứ hai: Dạy học, đó là công việc cả đời
“Chức vụ quản lí cao nhất mà tôi đã làm là tổ trưởng chuyên môn” – thầy Bình cười và nói như vậy, rất thanh thản. “Vì chỉ dạy thôi cũng đã bị cuốn lắm rồi. Để có được một tiết dạy hoàn hảo, phải đầu tư rất nhiều công sức và thời gian. Chưa kể còn bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp, từ trường đến quận, thành phố, quốc gia… Được phân công là mừng nhưng cũng lại phải lo để hoàn thành nhiệm vụ”.
Suốt hơn 40 năm dạy học, chỉ “trung thành” với cấp trung học cơ sở, thầy Bình được mệnh danh là một thầy giáo có nhiều học sinh thủ khoa nhất, cũng nhiều học sinh giỏi nhất. Thầy có đến 25 học sinh đoạt giải Toán toàn quốc , có 9 em sau này đoạt giải Toán quốc tế.
“Nhưng mừng nhất là tình cảm của học sinh dành cho mình” – thầy Bình nói. Thầy nhớ mãi em Phạm Chung Thuỷ, hoàn cảnh gia đình neo đơn, nhà xa nhưng vẫn vượt lên học giỏi, đoạt giải nhất Toán quốc gia, sau này đoạt giải Ba Toán quốc tế. Nhớ ơn thầy Bình, từ Thổ Nhĩ Kỳ xa xôi, em đã nâng niu giữ gìn để mang về tặng thầy một bộ li làm kỷ niệm. Hiện Thuỷ đang làm tiến sĩ ở Mĩ. Hay có một học sinh cũ của thầy chuyển vào công tác tại thành phố Hồ Chí Minh, gặp nhiều trắc trở cảm thấy bi quan, em đã viết thư tâm sự với thầy Bình và xin thầy lời khuyên. “Như thế là các em vẫn tin mình lắm” – thầy Bình tự hào nói.
Thầy Bình cũng có niềm vui nho nhỏ khác trong đời làm thầy, đó là có nhiều cặp mẹ – con đều là học sinh của thầy và đều học giỏi. Thầy chỉ tiếc là không có nhiều thời gian để dạy nhiều học sinh hơn nữa, theo yêu cầu của phụ huynh, dù rất nhiều người biết tiếng thầy muốn gửi con cho thầy luyện. Tuy nhiên, dù đã nghỉ hưu song thầy vẫn không thể nghỉ dạy, bởi các câu lạc bộ Toán, các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi toán THCS… vẫn rất cần trí tuệ, kinh nghiệm và tâm huyết của thầy.
Câu chuyện thứ ba: 42 năm, 21 năm và 100 cuốn sách
Mơ ước làm thầy đã được 42 năm, nhưng thầy Bình chỉ thực sự bắt tay vào công việc viết sách một nửa số thời gian ấy. Tuy nhiên, để có được 100 cuốn sách mà cuốn nào cũng được người sử dụng rất hoan nghênh, kinh nghiệm dạy học là vô cùng quan trọng. Thầy Bình tâm sự rất chân thành: “Viết sách cho giáo viên hay cho học sinh cũng vậy, phải hiểu được họ cần gì. Muốn hiểu như vậy, phải trải nghiệm trong vị trí của họ.”.
Viết sách và dạy học là hai công việc mà thầy Bình yêu thích như nhau và quả thật, nố hỗ trợ nhiều cho nhau. Nếu chỉ đọc sách của thầy, không thể nghĩ rằng viết sách là nghề “tay trái” của thầy, bởi tính khoa học và tính sư phạm cao sâu của những cuốn sách này. Khó tìm tháy một người thầy lại có mặt trong hội đồng biên soạn sách của cả bốn khối lớp trung học cơ sở.
Thầy còn viết nhiều sách hướng dẫn dạy Toán, bồi dưỡng học sinh giỏi toán. Thầy bảo: “Dạy tốt thì giúp ích cho vài chục học sinh trên lớp. Nhưng nếu viết ra được những cuốn sách tốt thì có thể giúp cho cả trăm ngàn em”. Chả thế mà có những cuốn sách của thầy Bình đã tái bản nhiều lần với số lượng in lên đến 700.000 bản. Một kỷ lục hiếm có về sách giáo dục.
Dạy học, viết sách song song đã giúp thầy Bình cho ra đời hàng chục sáng kiến, kinh nghiệm, trong đó có 2 sáng kiến loại A và 8 sáng kiến loại B của thành phố Hà Nội. Cuốn sách thứ 100 của thầy Bình nằm trong bộ sách “Nâng cao và phát triển” với tiêu đề “Nâng cao và phát triển Toán 9” . Những học sinh muốn học giỏi toán đều tìm đến những cuốn sách loại này do thầy Bình biên soạn.
Về hưu rồi nhưng thầy Bình vẫn cặm cụi bên những trang bản thảo để tiếp tục trải ra giấy kinh nghiệm cả cuộc đời dạy học của mình, cho nhiều thế hệ học trò hôm nay và mai sau. Đáng quý thay tấm lòng một Nhà giáo Nhân dân. Càng thêm quý hơn khi biết rằng, qua 8 lần phong tặng, trong số 189 Nhà giáo Nhân dân, duy nhất có thầy giáo Vũ Hữu Bình ở bậc trung học cơ sở.
Nguyễn Thị Trâm
------------------------------------------------------------------------------------------
Hình ảnh một số sách Toán thầy Vũ Hữu Bình viết :
Còn rất nhiều bài viết khác của các thế hệ học sinh Trưng Vương viết về thầy Vũ Hữu Bình tại trang web:http://thaybinh.wordpress.com/category/bao-chi-vi%E1%BA%BFt-v%E1%BB%81-th%E1%BA%A7y-binh/
-----------------------------------------------------------------------------------
Nhà giáo nhân dân Vũ Hữu Bình với tài năng và sự tâm huyết cho nền Toán học Việt Nam đã trở thành tấm gương sáng cho biết bao thế hệ học trò cũng như những giáo viên của trường THCS Trưng Vương.
Thay mặt nhà trường, ban biên tập Website trungvuong.edu.vn kính chúc thầy mạnh khoẻ - hạnh phúc và hi vọng rằng thầy sẽ còn đóng góp nhiều hơn nữa trí tuệ và sự đam mê của mình cho Toán học nước nhà
Kích thước chữ:
Lớn hơn
Nhỏ hơn
Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012
Nhà giáo Vũ Hữu Bình - Một tấm gương sáng của trường THCS Trưng Vương
(Nguồn:
http://trungvuong.edu.vn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét